Journal Article View
 

BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY


         Công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản của mọi gia đình và xã hội. Thực hiện tốt công tác PCCC là đã bảo vệ được tính mạng, tài sản, giữ được bình yên, hạnh phúc cho mọi gia đình và xã hội. Trong cuộc sống, nhiều lúc chỉ cần một phút lơ là, bất cẩn là có thể để xảy ra cháy. Thời gian qua nhiều vụ cháy xảy ra đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội.

      Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu dân cư, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nhanh chóng được hình thành và phát triển dẫn đến nguy cơ về cháy, nổ xảy ra cao. Mặc dù đã có nhiều biện pháp thông tin, tuyên truyền và sự nỗ lực của các cấp, các ngành để chỉ đạo thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ nhưng vẫn còn một số đơn vị, cá nhân còn chủ quan chưa thực sự chú trọng công tác PCCC, dẫn đến xảy ra các vụ cháy, nổ không được kiểm soát kịp thời gây hậu quả nghiêm trọng

         Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH - Bộ Công an, trong năm 2013 xảy ra 2.624 vụ cháy (trong đó có 2.394 vụ cháy tại các cơ sở, nhà dân, phương tiện giao thông và 230 vụ cháy rừng). Thiệt hại do cháy gây ra: làm chết 60 người, bị thương 199 người, về tài sản ước tính trị giá 1.656,148 tỷ đồng. Điển hình là một số vụ cháy lớn như: Vụ cháy nổ cực lớn xảy ra tại hẻm số 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường 8, quận 3 Thành phố Hồ Chí Minh) lúc 0 giờ 20 ngày 24/2 đã khiến ba căn nhà liền kề nhau bị kéo sập, 11 người bị vùi chết và nhiều nạn nhân khác bị thương nặng; Vụ cháy xảy ra tại Công ty may Hà Phong - Bắc Giang, thiêu trụi phân xưởng sản xuất cùng hàng ngàn xe gắn máy của công nhân; Ngày 03/6/2013, một vụ cháy lớn xảy ra tại cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thiệt hại nặng nề với 4 ô tô bị cháy đen, 6-7 xe máy bị thiêu rụi, 1/3 hộ dân quận Hoàn Kiếm bị cắt điện. Khoảng 1.000 người tham gia chiến đấu với "giặc lửa", 12 người bị thương, trong đó có 09 cảnh sát phòng cháy chữa cháy; Vụ nổ khủng khiếp tại nhà máy sản xuất pháo hoa ở Phú Thọ vào sáng ngày 12/10/2013 đã khiến 26 người tử vong và 98 người bị thương, trong đó nhiều trường hợp bị bỏng trên 90% cơ thể phải cấp cứu tại Viện Bỏng quốc gia, thiệt hại về tài sản khoảng 52 tỷ đồng; vụ cháy Trung tâm thương mại Hải Dương phút chốc biến gần 500 tỷ đồng của các tiểu thương thành tro bụi; hàng chục vụ cháy nhà cao tầng, khu dân cư, gây hoảng loạn trong dân chúng do thiệt hại quá lớn về người và tài sản…

       Trong 09 tháng đầu năm 2014, cả nước đã xảy ra 1.552 vụ cháy, gây thiệt hại: chết 55 người, bị thương 119 người, về tài sản trị giá 921,807 tỷ đồng. Đáng chú ý một số vụ cháy trong khu dân cư gây thiệt hại nghiêm trọng về người như: vụ cháy tại tiệm may bọc yên xe Phong Phú ở TP.Biên Hòa, Đồng Nai làm 05 người chết. Vụ cháy xảy ra tại quán Karaoke Nhật Thực ở Giảng Võ, Hà Nội vào trưa ngày 03/5/2014 làm 05 người tử vong. Đặc biệt vào lúc 03h15 ngày 16/9/2014 xảy ra vụ cháy tại ngôi nhà trên đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP HCM, đã làm 07 người trong một gia đình cùng chết cháy do không thoát ra ngoài được...

        Có thể nói, trong bối cảnh đất nước không ngừng xây dựng và phát triển thì công tác PCCC càng chiếm giữ một vai trò quan trọng. Ít có loại tai nạn nào mà cùng lúc có thể gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản như trong các vụ hỏa hoạn. Tại các đô thị, sự xuất hiện ngày càng nhiều các công trình nhà cao tầng, công trình ngầm, các trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học, các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các trạm xăng, dầu trong nội đô… nguy cơ cháy, nổ là rất lớn và hậu quả khôn lường. Trong khi đó nguyên nhân dẫn đến cháy, ban đầu chỉ bắt nguồn từ một đốm lửa nhỏ, một sự cố chập điện bình thường hoặc từ những bất cẩn của con người… không được phát hiện, xử lý kịp thời dẫn đến bùng phát thành đám cháy dữ dội.

      Việc đảm bảo các trang thiết bị, điều kiện nhân lực, vật lực về an toàn PCCC tại các công sở, cơ quan, đơn vị, khu dân cư một số nơi chỉ làm chiếu lệ, qua loa, mang tính đối phó. Không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhiều khi chỉ chú trọng đến lợi nhuận mà quên đi biện pháp bảo vệ an toàn cho tính mạng người lao động và tài sản của mình.

      Vì vậy, để đảm bảo an toàn PCCC là việc phải được làm thường xuyên, liên tục, đồng đều, rộng khắp ở các địa phương. Ở các đô thị lớn, đông dân cư thì cháy rất dễ trở thành thảm họa, việc phòng cháy vì thế cần phải trở thành một nguyên tắc sống, ăn sâu bám rễ vào ý thức của từng người dân.

      Ngày 04/10/1961, Bác Hồ đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác PCCC. Đây là một trong những Pháp lệnh được ban hành sớm nhất của Nhà nước ta đã nói lên tầm quan trọng của công tác PCCC. Từ đó đã làm dấy lên các phong trào PCCC mà kết quả đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân và của xã hội.

Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tổ chức và cá nhân, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Quốc hội khóa X đã thông qua Luật phòng cháy và chữa cháy và có hiệu lực thi hành từ ngày 4/10/2001, trong đó quy định rất rõ phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam. Luật PCCC cũng đã quy định lấy ngày 04/10 hàng năm là "Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy".

      Năm 2013, sau 12 năm thực hiện Luật PCCC, để đáp ứng kịp thời với sự phát triển của xã hội, Quốc hội khóa XIII ban hành Luật số 40/2013/QH13 ngày 22 tháng 11 năm 2013 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy. Sau khi Luật có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 quy định thi hành một số điều của quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy.

      Thời gian qua, công tác PCCC trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã được lãnh đạo, cấp uỷ, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều biện pháp, nhằm bảo đảm an toàn về công tác PCCC và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt là vào dịp "Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy" 04/10 hàng năm đã tổ chức nhiều hoạt động phòng cháy, chữa cháy sôi nổi, thiết thực; tạo sự chuyển biến tích cực, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy, góp phần kiềm chế sự gia tăng số vụ cháy và giảm thiểu thiệt hại do cháy gây ra, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

      Để mọi người có những hành động thiết thực hưởng ứng ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy (04/10), ngăn chặn tai nạn cháy, nổ có thể xảy ra, giảm thiểu đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại về tính mạng và tài sản cho mọi người, mọi gia đình và các cơ sở. Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Kon Tum hướng dẫn các biện pháp để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy như sau:

      I. Tại nơi ở

Chủ hộ và các thành viên trong mỗi gia đình cần thực hiện:

      1. Kiểm tra nơi để đồ dùng, hàng hóa và các vật liệu khác có khả năng cháy được, nơi để các loại hàng hóa và đồ dùng dễ cháy phải cách xa nơi đun nấu và các nguồn nhiệt khác.

     2. Kiểm tra hệ thống điện, khắc phục các hỏng hóc có nguy cơ dẫn đến chạm chập, ngắt mạch điện. Các dây dẫn vỏ cách điện bị lão hóa, rạn nứt phải được thay thế; các mối nối trên dây dẫn điện phải được siết chặt; các thiết bị điện lắp đặt trong nhà phải đảm bảo an toàn.

     3. Thường xuyên kiểm tra hệ thống bếp gas, dùng nước xà phòng để kiểm tra độ kín của bình, dây dẫn gas, thay mới các ống dẫn gas đã bị rạn nứt, hư hỏng. Khi phát hiện có rò rỉ gas, hoặc ngửi thấy mùi gas tuyệt đối không bật bộ phận đánh lửa của bếp, không bật công tắc điện, đèn hay bất cứ dụng cụ thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt nào; nhanh chóng mở cửa để gió tự nhiên vào cho thông thoáng khu vực nhà bếp, đồng thời kiểm tra vị trí bị rò rỉ. Nếu vị trí rò rỉ là trên đường ống dẫn gas chỉ cần khóa van tổng của bình gas là an toàn, nếu vị trí rò rỉ là ở cổ van hoặc thân bình dùng xà phòng cục hoặc quả chuối chét vào vị trí bị rò rỉ, sau đó dùng dây cao su buộc chặt và chuyển bình gas ra khu vực trống trải an toàn rồi xả hết khí gas trong bình. Sau khi xả hết gọi người của đại lý gas đến thu hồi vỏ bình, tuyệt đối không được tự ý sửa chữa vỏ bình.

     4. Kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại nơi thờ cúng, khoảng cách từ ngọn hương đèn phải cách trần tối thiểu là 0,5m. Không để các đồ vật dễ cháy như hương, đèn, vàng mã sát nơi đốt hương, đèn; khi thắp hương, đèn, đốt vàng mã phải có người trông coi.

     5. Thực hiện việc bảo quản, sắp xếp đồ dùng trong gia đình ngăn nắp, đúng quy định, không lấn chiếm lối thoát nạn. Không dự trữ xăng, dầu, cồn trong nhà khi không cần thiết. Trường hợp phải dự trữ thì phải bảo quản trong các dụng cụ kín, chắc chắn, để cách xa các nguồn nhiệt.

      6. Dự kiến các tình huống thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, trang bị các dụng cụ trữ nước như xô thùng, vừa phục vụ sinh hoạt hàng ngày vừa phục vụ chữa cháy khi cần thiết, các gia đình nên trang bị thêm các bình chữa cháy xách tay để phục vụ chữa cháy.

     II. Đối với nơi làm việc, nơi sản xuất kinh doanh:

       1. Trước khi tiến hành công việc phải thực hiện kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại nơi làm việc, nơi sản xuất kinh doanh do chính mình đảm nhiệm, nếu phát hiện có dấu hiệu mất an toàn về phòng cháy và chữa cháy phải tìm mọi cách để khắc phục.

      2. Không đốt nhang, đèn để cúng và đun nấu trong khu vực sản xuất, văn phòng làm việc; không để vật tư, hàng hóa, phương tiện cản trở lối đi, lối thoát nạn.

       3. Không tàng trữ các chất nguy hiểm cháy như xăng, dầu, gas tại nơi làm việc và trong khu vực kinh doanh. Những nơi quá trình sản xuất, kinh doanh liên quan đến các chất dễ cháy phải tuân thủ các quy định về sử dụng, bảo quản các chất dễ cháy đó.

      4. Các hàng hóa, vật liệu dễ cháy phải được bố trí cách xa đường dây dẫn điện, chấn lưu đèn neon, bảng điện khoảng cách tối thiểu là 0,5m. Không dùng bàn là, bếp điện, bóng đèn sợi đốt để sấy khô hàng hóa (trừ các thiết bị chuyên dùng); khi sử dụng quạt di động hoặc quạt cố định ở khu vực có nhiều vật tư, hàng hóa phải có lồng bảo hiểm.

      5. Khi nghỉ làm việc phải tắt các nguồn điện, nguồn nhiệt đồng thời kiểm tra các yếu tố khác có thể phát sinh nguồn nhiệt tại khu vực do mình đảm nhiệm.

Khi phát hiện có cháy, nổ xảy ra dù là nơi ở hay nơi làm việc phải hô hoán cho mọi người cùng biết, nhanh chóng sử dụng các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị để khống chế đám cháy, đồng thời phải báo ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy qua số điện thoại 114 để được hỗ trợ kịp thời.

       Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật phòng cháy và chữa cháy mỗi người hãy tích cực tìm hiểu kiến thức, pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nắm vững những mối nguy hiểm về cháy, nổ tại nơi làm việc, nơi ở và các biện pháp phòng ngừa. Thường xuyên chú trọng việc quản lý và sử dụng an toàn nguồn lửa, nguồn nhiệt và các chất dễ cháy khác ở mọi lúc, mọi nơi, biết cách xử lý kịp thời khi có cháy xảy ra. Thường xuyên tự kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy, phát hiện và khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót về phòng cháy và chữa cháy tại cơ sở để hạn chế thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho mọi người.

                                                      Nhân viên y tế học đường

 

 

                                                Vũ Thị Hà


No comments yet. Be the first.